Tối 26/10/2015 tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra chương trình truyền hình trực tiếp “Khi sự sống được chia sẻ và Lễ phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng” do Bộ Y tế phối hợp với Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức.
Tham dự chương trình có đồng chí Vũ Trọng Kim – Ủy viên BCH Trung ương Đảng – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy Ban Trung ương Mặt trân Tổ quốc Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo ngành Y tế, đại diện 14 cơ sở ghép tạng, đại diện các Sở Y tế, những gương mặt điển hình trong việc thực hành nghĩa cử cao đẹp: Hiến tạng cứu người, các tổ chức xã hội, đội ngũ tình nguyện viên, truyên truyền viên và hơn 30 cơ quan thông tấn báo chí cùng dự và đưa tin
Ghép mô, tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh bị hỏng mô, tạng không hồi phục. Cho đến nay, kỹ thuật này ngày càng phát triển không ngừng và được ghi nhận là một trong những thành tựu quan trọng nhất của y học thế giới, là 1 trong 10 phát minh về khoa học kỹ thuật làm thay đổi cuộc sống của nhân loại trong thế kỷ 20. Hàng năm trên thế giới có hàng triệu người được ghép mô, tạng. Lượng bệnh nhân được ghép mô, tạng cũng ngày càng gia tăng qua các năm. Nhu cầu cần ghép mô, tạng ngày càng lớn.
Theo báo cáo của Mạng lưới chia sẻ mô, tạng Mỹ, hiện toàn nước Mỹ có 121.600 người trong danh sách chờ được ghép tạng, trong số đó 99.201 trường hợp trong danh sách chờ được ghép thận. Trung bình mỗi tháng có thêm khoảng 2.500 bệnh nhân mới bổ sung thêm vào danh sách chờ được ghép thận, 20 phút có thêm 1 người vào danh sách chờ ghép thận. Khu vực Tây Âu có gần 40.000 bệnh nhân chờ được ghép thận trong khi số các trường hợp hiến từ tử thi chỉ duy trì ở mức 5.000 ca mỗi năm. Danh sách người chờ được ghép tạng ở Trung Quốc cũng lên tới con số 1,5 triệu người. Tỷ lệ chết trong khi chờ ghép tim, gan hoặc phổi trong khoảng từ 15-30% tùy thuộc vào loại mô, tạng chờ được ghép. Chính việc thiếu nguồn cung trầm trọng đã dẫn đến sự bùng nổ của thị trường chợ đen và nạn buôn bán bộ phận cơ thể người trên thế giới hiện nay. Song hành với nó là tình trạng gép mô, tạng trái phép trên quy mô toàn cầu, kéo theo nhiều hệ lụy về nhân quyền, kinh tế và đạo đức.
Ở Việt Nam hiện nay, hàng chục nghìn người vẫn đang giành giật sự sống từng ngày để chờ đợi được ghép gan, thận, tim…. Những ca ghép mô, tạng từ người chết não, ngừng tim, hiến tạng thời gian qua đã mở ra một hướng đi đúng đắn, đem lại lợi ích và ý nghĩa xã hội, song cũng còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế.
Theo số liệu thống kê tính đến hết ngày 30-6-2014, số lượng các ca ghép mô, tạng ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở các con số khiêm tốn: Ghép thận (±1.011 ca), ghép gan (37 ca), ghép tim (11 ca), ghép thận – tụy (1 ca), ghép giác mạc (riêng Bệnh viện Mắt Trung ương từ 2005 đến nay đã ghép được 1.401 ca). Trong khi đó, nhu cầu người chờ ghép lại ở mức rất cao. Cả nước có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn tính cần được ghép, riêng chỉ tính tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội đã có trên 1.500 người có chỉ định ghép gan và khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc trong đó có trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc, hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi… Có thể nói rất nhiều trường hợp suy nội tạng sẽ được cứu sống nếu như chúng ta có nguồn hiến tặng thích hợp vì ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh suy tạng.
Tính trên cả nước hiện nay, hàng chục ngàn người thuộc diện có nhu cầu gép tạng tiềm năng và có khoảng 4000 người suy thận mạn cần được ghép thận,khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc. Mặc dù số người đăng ký hiến giác mạc cho đến nay đã tăng lên đến hơn 40.000 người, nhưng con số hiến thực tế vẫn rất thấp.Có thể thấy khó khăn trở ngại lớn nhất với ngành ghép mô, tạngcủa nước ta hiện nay không phải là vấn đề kỹ thuật mà là do thiếu nguồn mô, tạng để có thể thực hiện cấy ghép.
Chương trình “Khi sự sống được sẻ chia” nhằm mục đích chuyển tải sâu rộng ý nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả của việc hiến tặng mô, tạng cứu người như một nghĩa cử cao đẹp, một biểu tượng sáng chói của lòng nhân ái vì con người. Một lời kêu gọi đến cộng đồng xã hội tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng và là lời tri ân của ngành y tế đến những tấm lòng vàng đã tình nguyện hiến tặng một
Phát biểu tại chương trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: Một người có tâm nguyện hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết, chắc chắn không thể là người bất thiện, không có trí tuệ, mà là người có trái tim vô cùng nhân hậu và nhân văn. Họ đã làm được việc vô cùng khó mà không phải ai cũng làm được, hành động tự nó đã lan tỏa và nhen lên sự thiện tâm trong mỗi người xung quanh, như một minh chứng hùng hồn để thấy rằng, trong cuộc đời vẫn còn rất nhiều điều tử tế, phi thường. Nếu đi về phía mặt trời-sẽ không sợ thiếu ánh sang.
Hy vọng trong thời gian tới, với sự nỗ lực không ngừng của Ngành Y tế và sự cảm thông, vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền, tổ chức đảng và đặc biệt là các cơ quan truyền thông, cộng đồng, xã hội sẽ ngày càng hiểu hơn về mục đích, ý nghĩa nhân văn cao cả của việc hiến tặng mô, tạng. Đó là một nghĩa cử cao đẹp. Từ đó, dư luận sẽ vượt qua quan niệm sai lầm về chết toàn thây, sẵn sàng chấp nhận hiến tặng hoặc đăng ký hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết, chết não vì lợi ích cho người bệnh, cộng đồng, xã hội và cho chính người hiến tặng như một việc tử tế cần làm trong mỗi cuộc đời.
Cũng tại chương trình, Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội vận động hiến tặng mô, tạng Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến đã biểu dương và trao thẻ Bảo hiểm y tế, kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân cho hơn 10 cá nhân tiêu biểu tình nguyện hiến tạng cứu người và công bố “Lễ phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng” sau khi chết, chết não để ngày càng nhiều hơn nữa những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo về mô, tạng được cứu chữa quay về cuộc sống đời thường trở thành người có ích cho cộng đồng, xã hội. Góp phần tích cực hơn nữa trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân của nền y tế nước nhà.