Đây là nội dung được đưa ra thảo luận tại Hội thảo phát động và triển khai tuần lễ truyền thông phòng, chống kháng thuốc chiều ngày 29/10/2015 tại Bộ Y tế.
Chủ trì Hội thảo có PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế; Ts. Socorro – Đại diện WHO; Hội thảo còn có dự tham gia của Lãnh đạocác Vụ/Cục thuộc Bộ Y tế, Lãnh đạo các Bệnh viện trực thuộc Bộ, Lãnh đạo Sở Y tế, đại biểu các tổ chức quốc tế, các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Kháng sinh không chỉ được sử dụng trong y học mà còn được sử dụng rộng rãi trong trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản nhằm mục đích tăng trưởng. Việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết để điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn,..sẽ làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh. Thứ trưởng nhấn mạnh: Hiện nay kháng thuốc là vấn đề toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển, mỗi năm thế giới có hàng trăm ngàn người chết do kháng thuốc và phải chi phí hàng trăm tỷ USD cho kháng thuốc.WHO và các cơ quan quốc tế khác đã chỉ ra rằng kháng kháng sinh là một mối đe dọa nghiêm trọng, thách thức đối với điều trị trong tương lai. Chính vì thế từ năm 2011, nhân ngày sức khoẻ thế giới 7/4, Tổ chức Y tế thế giới đã lấy khẩu hiệu “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” để kêu gọi các nước cùng chung tay phòng chống kháng thuốc.
Thứ trưởng cho biết thêm: trong thời gian qua, Việt Nam đã hưởng ứng lời kêu gọi này và xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020. Mục tiêu và nội dung cơ bản của Kế hoạch hành động quốc gia là nâng cao nhận thức của cộng đồng và cán bộ y tế về kháng sinh và kháng thuốc. Trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ tổ chức lễ phát động và hưởng ứng triển khai tuần lễ truyền thông về phòng, chống kháng thuốc do WHO phát động từ 16 đến 22/11/2015. Thông qua Lễ phát động sẽ thu hút sự chú ý và quan tâm của cộng đồng tới vấn đề kháng thuốc và cùng chung tay góp sức giảm gánh nặng kinh tế và xã hội do nguy cơ kháng thuốc gây ra.
Theo Ts.Socorro đại diện tổ chức y tế thế giới cho biết: Tổ chức Y tế thế giới rất quan tâm và thấy được sự tối cần thiết của hoạt động phòng, chống kháng thuốc trên toàn cầu; Hiện nay Việt Nam chưa chú trọng nhiều tới vấn đề này, việc sử dụng kháng sinh bừa bãi còn diễn ra phổ biến, người dân mua thuốc đặc biệt là kháng sinh nhiều khi không cần sự kê đơn của Bác sỹ; Các nhà thuốc còn hạn chế trong việc tuân thủ các quy định của Luật pháp và quy chế chuyên môn về lĩnh vực Dược; Thức ăn chăn nuôi có hàm lượng kháng sinh vượt nhiều lần mức cho phép…do đó ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc gia, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của mọi người; đặc biệt là dẫn đến tình trạng kháng thuốc…Đòi hỏi tất cả chúng ta cần phải hành động ngay, hành động một cách quyết liệt và hành động này phải mang tầm quốc gia, nhiều bên liên quan phải cùng chung tay giúp Chính phủ hành động…từ đó góp phần thực hiện có hiệu quả Chiến dịch nâng cao nhận thức về phòng chống kháng thuốc trên toàn cầu do WHO phát động và triển khai.
Tại Hội thảo này, các đại biểu đã cùng thảo luận Kế hoạch theo quyết định số 2174/QĐ- BYT ngày 21/6/2013 của Bộ Y tế về Kế hoạch hành động Quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 – 2020, và kế hoạch triển khai Tuần lễ quốc gia truyền thông về phòng, chống kháng thuốc diễn ra từ ngày 16-22/11/2015 tại các địa phương.
Nguồn: Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế