Home / KHÁCH HÀNG / THÔNG TIN DƯỢC / THÔNG TIN THUỐC PROGENTIN 200MG

THÔNG TIN THUỐC PROGENTIN 200MG

1/ Dược lực học:

–  Progesteron là một hormon steroid được tiết ra chủ yếu từ hoàng thể ở nửa sau chu kỳ kinh nguyệt. Progesteron được hình thành từ các tiền chất steroid trong buồng trứng, tinh hoàn, vỏ thượng thận và nhau thai.

– Tác dụng:

+ Giúp trứng làm tổ và rất cần thiết để duy trì thai sản. Hormon được xuất tiết với nồng độ cao ở nửa sau thai kỳ. Cùng với lượng estrogen nội sinh được tiết ra đầy đủ ở người phụ nữ bình thường, progesteron sẽ làm nội mạc tử cung tăng sinh chuyển sang giai đoạn chế tiết (giai đoạn hoàng thể).

+ Sự giảm tiết đột ngột vào cuối vòng kinh là nguyên nhân chủ yếu khởi đầu kinh nguyệt.

+ Làm ít đi và đặc quánh chất nhầy cổ tử cung, làm tinh trùng khó thâm nhập. Progesteron làm tăng nhẹ thân nhiệt ở pha xuất tiết của kinh nguyệt

+  Kích thích nang vú phát triển và làm thư giãn cơ trơn tử cung.

2/ Dược động học

Progesterone được hấp thụ nhanh sau khi đưa vào cơ thể bằng bất cứ đường nào. Progesterone liên kết nhiều với protein huyết thanh (96-99%). T1/2 trong huyết tương khoảng 5 phút, và một lượng nhỏ được dự trữ trong mô mỡ. Progesteron không có tác dụng đáng kể nếu uống do bị chuyển hóa mạnh khi qua gan lần đầu. Ở gan, progesterone chuyển hóa thành pregnadiol và liên kết với acid glucuronic rồi đào thải qua nước tiểu dưới dạng prednandiol glucuronic.

3/ Chỉ định Hai chỉ định phổ biến nhất là để tránh thai, dùng riêng lẻ hay phối hợp với estradiol hoặc mestranol trong viên tránh thai và để làm giảm nguy cơ tăng sản hoặc ung thư màng trong tử cung khi phối hợp với estrogen trong liệu pháp thay thế hormon ở nữ sau mãn kinh.

  • Đường uống:

+  Hội chứng tiền kinh nguyệt, kinh nguyệt không đều do rối loạn rụng trứng hoặc không rụng trứng, tiền mãn kinh.

+   Bệnh vú lành tính, đau vú.

+ Liệu pháp thay thế hormon trong giai đoạn mãn kinh (bổ sung cho liệu pháp estrogen).

  • Đường âm đạo:

+  Thay thế progesterone trong trường hợp thiếu progesteron hoàn toàn ở phụ nữ bị lấy buồng trứng.

+ Bổ sung cho pha hoàng thể trong chu kì thụ tinh ống nghiệm.

+ Bổ sung cho pha hoàng thể trong chu kì tự phát hoặc được tạo ra trong trường hợp khả năng sinh sản kém hoặc vô sinh do rối loạn rụng trứng.

+ Trong trường hợp có khả năng sẩy thai hoặc phòng ngừa trong trường hợp bị sẩy thai liên tiếp do suy hoàng thể, cho đến tuần thứ 12 sau tắt kinh.

  • Trong tất cả các chỉ định khác của progesteron đường âm đạo được thay thế cho đường uống trong các trường hợp:

+ Có tác dụng ngoại ý cũa Progesteron (buồn ngủ sau khi uống thuốc)

+ Chống chỉ định đường uống (bị bệnh gan).

4/ Liều dùng: Cần chấp hành đúng liều khuyến cáo.

Đường uống :

Trung bình trong các trường hợp thiếu progesterone, liều dùng là 200 đến 300 mg progesterone mỗi ngày, chia làm 2 lần, buổi sáng và buổi tối. Nên uống thuốc xa bữa ăn, nên uống vào buổi tối trước lúc đi ngủ.

– Trong suy hoàng thể (hội chứng tiền kinh nguyệt, bệnh vú lành tính, kinh nguyệt không đều, tiền mãn kinh) : 200 đến 300mg mỗi ngày, 10 ngày cho mỗi chu kỳ, thường bắt đầu từ ngày thứ 17 đến ngày thứ 26.

– Trong liệu pháp thay thế hormone trong giai đoạn mãn kinh : liệu pháp estrogene một mình không được khuyến cáo (do nguy cơ gây tăng sản nội mạc) : bổ sung progesterone 200mg  mỗi ngày vào buổi tối lúc đi ngủ, 12 đến 14 ngày mỗi tháng, hoặc 2 tuần lễ cuối của mỗi chu kỳ điều trị, sau đó ngưng toàn bộ các trị liệu thay thế trong khoảng 1 tuần, trong thời gian này có thể có xuất huyết do thiếu hụt hormone.

– Đối với các chỉ định trên, có thể dùng đường âm đạo với liều tương tự với đường uống, trong trường hợp bệnh nhân bị bệnh gan và/hoặc có các tác dụng ngoại ý do progesterone (buồn ngủ sau khi uống thuốc).

Đường âm đạo : Đặt viên nang sâu trong âm đạo.

– Thay thế progesterone trong các trường hợp thiếu progesterone hoàn toàn ở phụ nữ bị lấy buồng trứng (hiến noãn bào).

– Bổ sung cho liệu pháp estrogene : đặt 100mg vào ngày thứ 13 và ngày thứ 14 của chu kỳ chuyển tiếp, sau đó đặt mỗi lần 100mg vào buổi sáng và buổi tối từ ngày thứ 15 đến ngày thứ 25 của chu kỳ. Từ ngày thứ 26 và trong trường hợp bắt đầu có thai, liều được tăng thêm 100mg/ngày mỗi tuần để cuối cùng đạt đến liều tối đa 600mg mỗi ngày chia làm 3 lần. Duy trì liều này cho đến ngày thứ 60, và trễ nhất là cho đến tuần thứ 12 của thai kỳ.

– Bổ sung cho pha hoàng thể trong chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm (FIV) : liều được khuyến cáo là 400 đến 600mg mỗi ngày bắt đầu từ ngày tiêm hCG cho đến tuần thứ 12 của thai kỳ.

– Bổ sung cho pha hoàng thể trong chu kỳ tự phát hoặc được tạo ra, trong trường hợp khả năng sinh sản kém hoặc vô sinh nguyên phát hay thứ phát nhất là do rối loạn rụng trứng : liều được khuyến cáo là 2 đến 3 viên mỗi ngày, bắt đầu từ ngày thứ 17 của chu kỳ, trong vòng 10 ngày và dùng lại càng nhanh càng tốt trong trường hợp tắt kinh và được chẩn đoán là có thai.

– Dọa sẩy thai hoặc phòng ngừa trong trường hợp bị sẩy thai liên tiếp do suy hoàng thể: liều được khuyến cáo là 200 đến 400mg mỗi ngày, chia làm 2 lần.

5/ Chống chỉ định:

  • Viêm tĩnh mạch huyết khối, tắc mạch huyết khối, tai biến mạch máu não hoặc tiền sử có mắc các bệnh này.
  • Chảy máu âm đạo không rõ nguyên nhân. Thai chết lưu.
  • Dị ứng với thuốc.
  • Bệnh gan hoặc suy gan rõ.
  • Ung thư vú và ung thư tử cung.
  • Test thử thai (dùng làm test chẩn đoán có thai)

6/ Thận trọng:

  • Progesteron có chung các tiềm năng độc tính của các progestin. Nên khám vú, khám các cơ quan trong khung chậu, kiểm tra test Papanicolaou (phết lam kính Pap) trước khi dùng progesteron.
  • Progesteron có thể làm trầm trọng thêm một số bệnh do giữ nước, muối khoáng (như hen, động kinh, đau nửa đầu, suy tim, suy thận).
  • Cần thận trọng với những người có tiền sử trầm cảm. Cần ngừng thuốc nếu trầm cảm tái phát ở mức độ nặng.
  • Cần thận trọng ở phụ nữ đái tháo đường do progesteron phối hợp với estrogen đã làm giảm dung nạp glucose. Progesteron có thể che lấp thời điểm bước vào mãn kinh.
  • Cần cảnh giác về những dấu hiệu sớm của rối loạn về tắc mạch huyết khối và nghẽn mạch (như viêm tĩnh mạch huyết khối, nghẽn mạch phổi, suy tuần hoàn não, tắc mạch vành, huyết khối võng mạc, huyết khối mạc treo ruột). Phải ngừng thuốc ngay khi nghi ngờ hoặc xảy ra rối loạn nào đó trong số nói trên.
  • Nếu có hiện tượng mất hoặc giảm thị lực đột ngột hay từ từ, lồi mắt, song thị, phù gai thị, tổn thương võng mạc, đau nửa đầu, phải ngừng thuốc và tiến hành ngay các phương pháp chẩn đoán và điều trị. Progesteron chuyển hóa ở gan nên phải rất cẩn thận với người bệnh suy gan.
  • Khả năng lái xe và vận hành máy móc: lưu ý thuốc gây buồn ngủ, chóng mặt.
  • Thời kỳ mang thai

Mặc dù các progestin đã được dùng trong 3 tháng đầu thai kỳ để phòng ngừa sẩy thai hoặc để điều trị đe dọa sẩy thai nhưng chưa có bằng chứng đầy đủ để chứng minh hiệu quả của progestin trong những sử dụng này. Trái lại, đã có bằng chứng về tác dụng có hại tiềm tàng của thuốc khi dùng trong 4 tháng đầu thai kỳ. Các tác dụng không mong muốn đến thai nhi là: Nam hóa thai nữ khi dùng các progestin trong thời kỳ mang thai, phì đại âm vật ở một số ít bé gái nếu người mẹ mang thai dùng medroxy progesteron. Ðã thấy có mối liên quan giữa hormon nữ đặt trong tử cung với dị dạng bẩm sinh như khuyết tật tim, chân tay. Vì vậy, không nên dùng các progestin bao gồm cả progesteron trong 4 tháng đầu có thai. Nếu bệnh nhân nữ đang điều trị bằng progesteron mà có thai thì nên thông báo cho họ biết về nguy cơ này. Chống chỉ định tuyệt đối progesteron làm test thử mang thai.

  • Thời kỳ cho con bú: Progesteron tiết qua sữa. Tác dụng của progesteron đến trẻ em bú sữa mẹ chưa được xác định.

7/ ADR:

Thường gặp, ADR >1/100

  • Ðau bụng, đau vùng đáy chậu, đau đầu, táo bón, ỉa chảy, buồn nôn. Ðau khớp.
  • Suy giảm tình dục, bồn chồn, mất ngủ, trầm cảm. To vú.

Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100

  • Dị ứng, mệt mỏi. Chóng mặt. Nôn, tâm trạng thất thường. Ðau vú.
  • Ngứa bộ phận sinh dục, nhiễm nấm sinh dục, khí hư âm đạo.
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Giao hợp đau hoặc khó.

Hiếm gặp, ADR <1/1000

  • Sốt, giữ nước, rối loạn tiêu hóa, trướng bụng, đầy hơi. Ðau lưng, đau chân.
  • Hội chứng giống cảm cúm. Chán ăn, mất ngủ.
  • Nhiễm khuẩn hô hấp trên, viêm xoang. Hen.
  • Trứng cá, ngứa.
  • Tiểu tiện khó hoặc đau, đái dắt.

Hướng dẫn cách xử trí ADR: Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường sau đây xảy ra khi đang dùng progesteron, phải báo ngay cho bác sĩ: Chảy máu âm đạo. Ðau bắp chân, đau ngực, thở ngắn, ho ra máu có thể do cục máu đông ở chân, tim, phổi. Ðau đầu dữ dội, nôn, chóng mặt, nói khó, nhìn kém, yếu hoặc tê tay, chân, gợi ý có thể có cục máu đông ở não hoặc mắt. Xuất hiện các cục ở vú, có thể u xơ, u nang xơ, ung thư vú. Vàng da, chứng tỏ có vấn đề về gan.

Dùng quá liều: Với đường uống, tác dụng không mong muốn trên ghi nhận khi dùng quá liều. Khi giảm liều thì các triệu chứng trên sẽ tự động hết. Ở một số bệnh nhân, liều thông thường có thể quá cao nên cần: uống buổi tối lúc đi ngủ, 10 ngày trong 1 chu kì.  Trong trường hợp thu ngắn chu kỳ kinh nguyệt hoặc gây xuất huyết giữa chu kỳ, phải bắt đầu đợt điều trị chậm hơn trong chu kỳ (ví dụ như bắt đầu vào ngày thứ 19 thay vì ngày thứ 17). Phụ nữ tiền mãn kinh/ điều trị thay thế cần làm test để đảm bảo nộng độ Oestradiol trong máu.

8/ Tương tác thuốc:

  • Progesteron ngăn cản tác dụng của bromocriptin
  • Làm tăng nồng độ ciclosporin trong huyết tương.
  • Các test thử chức năng gan và nội tiết có thể bị sai lạc
  • Thuốc gây cảm ứng men mạnh đối với: barbiturat, phenyltoin, spironolacton….: tăng chuyển hóa ở gan .
  • Kháng sinh Ampicillin, Tetracyclin làm thay đổi hệ vi sinh vật ở ruột nên làm thay đổi chu trình gan ruột của các steroid.
  • Làm giảm sự hấp thu Glucose vào tế bào, nên ở bệnh nhân tiểu đường cần chỉnh liều insulin và các thuốc điều trị tiểu đường khác

9/  Bảo quản:

Dưới 300C. Nơi khô ráo. Tránh ánh sáng trực tiếp.

TLTK: MIMs.

Scroll To Top